Chào mừng Kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/112015)

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Những mẫu chuyện Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng.

1. Đến thăm trường thiếu nhi miền Nam.
Nghe tin Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác.

Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy. Nhưng Bác đề nghị dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo. Bác gọi lại hỏi:
- Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?
- Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.
Bác cười bảo bạn Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:
- Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.
Bạn Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.
2. Thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác Hồ.
Trong một lần đến thăm nước Tiệp Khắc, Bác Hồ được tiếp một đoàn thiếu nhi Tiệp Khắc đến thăm Bác. Cháu nào cũng muốn đứng cạnh Bác nên đã chen chúc, tranh giành nhau rất dữ. Để ổn định trật tự, Bác đã nẩy ra sáng kiến hỏi các cháu:
- Các cháu thấy Bác gầy hay mập?
Các cháu trả lời:
- Bác gầy lắm ạ.
Bác lại hỏi:
- Vậy các cháu có muốn Bác gầy không?
Các cháu đồng thanh trả lời:
- Không ạ
Bác nói tiếp:
- Vậy các cháu đừng chen nhau hôn Bác nữa. Hãy cử 1 đại biểu đến hôn Bác thôi.
Sau câu nói của Bác, tất cả đều trật tự và cử bạn đội trưởng thay mặt tất cả đến hôn Bác. Bác ôm hôn bạn đội trưởng và cảm ơn các bạn thiếu nhi Tiệp Khắc. Còn các chú bảo vệ thì lại cảm ơn Bác vì Bác đã có sáng kiến duy trì được trật tự mà vẫn giữ được tình cảm yêu quý của thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác Hồ.
3. Bể cá vàng dành cho các cháu.
Các bạn đều biết ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch rất đơn sơ nhưng khi thiết kế, Bác đã đề nghị các đồng chí xây cho Bác một hàng ghế ximăng bao quanh để các cháu thiếu nhi đến thăm Bác có chỗ ngồi. Thấy các cháu co chỗ ngồi nhưng lại không có gì để chơi, Bác lại đề nghị kiếm 1 bể cá để nuôi cá vàng cho các cháu đến thăm Bác có cá để xem. Thấy các cháu xúm xít xem cá trong bể, Bác rất vui. Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Bác để dành những mẩu bánh mì ăn sáng làm thức ăn nuôi cá. Được Bác chăm sóc, mấy con cá vàng trong bể ngày một lớn và phát triển thành cả một đàn cá. Mùa đông trời lạnh, Bác nhờ mấy chú làm một chiếc nắp đậy bể để bảo đảm độ ấm cho cá.
Mỗi lần đến thăm nhà sàn của Bác, khách thường thích thú ngắm bể cá, nhất là khách thiếu nhi.
4. Hãy để các cháu được làm chủ.
Trong năm 1961, có 1 sự kiện đáng nhớ của các cháu thiếu nhi. Bác Hồ cho 2000 cháu lần lượt đến vui chơi trong Phủ Chủ tịch. Bác dành phòng khách long trọng nhất trong Phủ Chủ tịch làm nơi cho các cháu triển lãm tranh ảnh của mình. Bác cho trang trí vườn hoa và mắc âm thanh tốt nhất cho các cháu ca hát, liên hoan văn nghệ. Các cháu đến Phủ Chủ tịch rất thích, được ca hát nhảy múa, nằm lăn ra bãi cỏ xanh mượt mát rượi.
5. Bác Hồ rất thương trẻ con.
Có lần đang ngủ đến gần sáng, lạnh quá Bác thức dậy. Gió vun vút đập vào cửa kính. Chợt Bác nghe thấy có tiếng trẻ em rao hàng dưới đường, Bác mở cửa ngó xuống nhìn em bé, nhìn mãi cho đến khi em bé đi khuất mới từ từ khép của lại.
Một lần khác, Bác cùng xem phim với cán bộ đồng bào sau Đại hội Chiến sĩ thi đua năm 1952. Buổi chiếu phim tan, mọi người lục đục kéo nhau đứng dậy ra về,
Bác vội đứng lên đưa tay ra lệnh trật tự và nói to:
- Xin hãy để các cháu bé ra trước kẻo lộn xộn các cháu sẽ lạc đấy.
Thế là những người lớn lại ngồi xuống chờ các cháu nhỏ ra hết mới đứng lên về.
Có lần Bác bảo đồng chí phục vụ Bác mang cháu nhỏ 5 tuổi đến chơi với Bác. Đồng chí phục vụ dẫn con đến, lúc ấy Bác bận nên đã bảo đồng chí cho cháu ngồi chơi ăn kẹo. Khi Bác trở vào vẫn thấy 2 cha con ngồi chờ và không dám lấy kẹo ăn. Bác tỏ vẻ không bằng lòng, phê bình đồng chí:
- Ở nhà, cháu là con của cô chú, nhưng đến đây, cháu là khách của Bác. Chú phải có nhiệm vụ giúp Bác đãi khách chứ, ai lại để cháu bé ngồi chơi suông hay sao?
6. Quả táo Bác Hồ.
Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởnh thành phố Pari mở tiệc long trọng thiết đãi Bác Hồ. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác.
Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt Kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác Hồ.