Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cho đến thời điểm này có thể khẳng định rằng kỳ thi đã
kết thúc tốt đẹp, về cơ bản kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy
chế. Dư luận xã hội, các bậc phụ huynh và giáo viên đánh giá cao kỳ thi năm nay
có tiến bộ hơn so với những năm trước đây về thái độ, trách nhiệm của giám thị
và kỉ luật phòng thi cũng như sự tuân thủ quy chế thi của các thí sinh. Có được
như vậy là do Bộ GD&ĐT đã có nhiều biện pháp chỉ đạo phù hợp với thực tiễn
giáo dục nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kết quả thi phản ánh khách
quan kết quả dạy và học.
Tôi cũng ghi nhận những nỗ lực của các
địa phương đóng góp vào thành công của kỳ thi này. UBND các tỉnh, thành phố
trên cả nước đã chỉ đạo việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ cho việc tổ
chức thi, tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên, triển khai các giải
pháp bảo mật đề thi, đảm bảo an toàn, trật tự tại các Hội đồng coi thi cũng như
việc xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó kịp thời khi có tình huống bất
thường xảy ra. Các bộ ngành như Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin
Truyền thông, Điện lực… đã phối hợp rất tốt với ngành Giáo dục từ Trung ương
đến các địa phương để hỗ trợ cho kỳ thi an toàn, thuận lợi.
Trước kỳ thi này, dư luận quan tâm
đến việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình
không hỗ trợ màn hình và chức năng thu phát âm thanh, hình ảnh: vậy trên thực
tế việc này có diễn biến như thế nào?
- Việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này
là nhằm phòng ngừa vi phạm là chính hơn là phát hiện vi phạm: Bộ không trút
trách nhiệm lên học sinh. Chúng ta đều biết là ai cũng có quyền giát sát các cơ
quan, cán bộ nhà nước khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên trách nhiệm của mỗi
người có buộc phải giám sát hay không lại là một vấn đề khác. Trong thi cử, học
sinh không buộc phải làm nhiệm vụ giám sát kỳ thi. Nhiệm vụ và quyền lợi của
các em trong phòng thi là làm bài thi cho tốt, nhưng chúng ta tạo cơ hội để nếu
có điều kiện thì các em tham gia giám sát kỳ thi. Nếu vì điều đó mà tạo ra áp
lực cho những ai không tôn trọng kỷ luật thi, không muốn làm tròn trách nhiệm
trong hội đồng thi thì áp lực đó là một điều tốt.
Niềm vui làm được bài thi Toán của thí sinh Cần Thơ. Ảnh: Quốc Ngữ |
Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế
nào nếu sau kỳ thi xuất hiện trên các mạng xã hội những clip phản ánh tiêu cực
trong kỳ thi vừa rồi giống như vụ Đồi Ngô (Bắc Giang)?
- Đó sẽ là một điều đáng tiếc. Bởi năm
nay, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định rằng cá nhân nào có thông tin về tiêu cực
trong thi cử thì hãy cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để xác minh và xử
lý. Vậy tại sao thông tin này không được cung cấp cho các cơ quan có trách
nhiệm, mà lại tung lên mạng như vậy? Tôi xin khẳng định lại rằng tất cả các
thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi đều được Bộ GD&ĐT tôn trọng và xử
lí nghiêm túc nhưng Bộ không muốn các thông tin đó gây ảnh hưởng tiêu cực trong
ngành và xã hội.
Thưa Thứ trưởng, sau môn thi đầu tiên
là môn Ngữ văn, có dư luận lan truyền thông tin rằng đề Ngữ văn bị lộ và đề thi
thử môn Ngữ văn của một số trường giống như đề thi tốt nghiệp… khiến không ít
thí sinh hoang mang; vậy ông lý giải chuyện này như thế nào?
- Chương trình giáo dục phổ thông là
căn cứ chung của việc dạy học và ra đề thi, vì vậy đề thi thử và đề thi thật
giống nhau ở một mức độ nào đó là chuyện bình thường, là trùng hợp ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, nếu hai đề giống nhau đến từng chi tiết thì cũng cần có thêm các
thông tin khác để xem xét khâu tổ chức ra đề có vấn đề gì sơ xuất (?) nhưng
cũng không nên vội vàng quy kết là đã có chuyện lộ đề!
Tôi cũng xin nói thêm rằng Bộ GD&ĐT
rất không đồng tình với việc khi mới có những thông tin ban đầu cho rằng lộ đề
hoặc nghi ngờ lộ đề mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, đây là
điều không tốt. Điều này gây hoang mang, lo lắng cho học sinh trong khi các em
vẫn đang tập trung vào môn thi tiếp theo.
Trên thực tế trong mấy ngày thi vừa
qua, nhiều báo vẫn phản ánh tình trạng “phao” thi xuất hiện ở các hội đồng coi
thi sau mỗi buổi thi, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Phải khẳng định rằng vẫn còn có hiện
tượng một số thí sinh đem phao vào phòng thi (đã sử dung hoặc chưa sử dụng) mà
không được giám thị phát hiện, sau buổi thi các em vứt bỏ bừa bãi phao ra sân
trường, cổng trường làm ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục.
Việc vứt “phao” như các báo, đài phản ánh đều là những biểu hiện không tốt. Tôi
cho rằng: Trong thời gian tới phải tiếp tục giáo dục học sinh có ý thức tốt hơn
để ngăn chặn hành vi như trên. Cũng cần phải nói thêm là hiện tượng vứt “phao”
bừa bãi ở sân, cổng trường là không chỉ có riêng “phao” thi, trong đó có cả
những tờ rơi quảng cáo mà các đơn vị kinh doanh và một số cơ sở giáo dục mang
đến quảng bá hình ảnh của mình trước cổng trường thi.
Việc học sinh mang “phao” vào phòng thi
có thể được hiểu như sau: Thứ nhất là các em không tự tin vào kiến thức của
mình nên khi đi thi đem theo phao, hy vọng rằng có thể may mắn nội dung “phao”
phù hợp với đề thi; thứ hai là các thí sinh chưa tin là giám thị sẽ coi thi một
cách nghiêm túc nên vẫn hy vọng có cơ hội sử dụng “phao”. Do vậy, nhìn hiện
tượng trên đây theo cách này để ngăn chặn thì cần phải nâng cao chất lượng giáo
dục để học sinh tự tin trong phòng thi. Thêm vào đó, việc giáo dục tính trung
thực phải được thực hiện nghiêm túc, đồng thời đòi hỏi cán bộ coi thi phải thực
hiện đúng chức trách của mình để học sinh không còn hy vọng sử dụng được tài
liệu trong khi thi.
Thí sinh tự tin với kết quả tốt đẹp của kỳ thi. Ảnh: Minh Tân |
Dư luận đánh giá cao về công tác ra
đề thi trong năm nay, nhất là những đề mở trong các môn tự luận; Thứ trưởng có
thể cho biết công tác ra đề có gì đổi mới so với mọi năm, và phù hợp như thế
nào đối với xu hướng đổi mới đánh giá kết quả học sinh mà ngành Giáo dục sẽ
tiến hành trong những năm học tới?
- Trong những năm vừa qua, đề thi tốt
nghiệp THPT được ra theo hướng mở và ngày càng mở hơn. Công tác ra đề thi năm
nay đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nội dung kiến
thức của đề thi các môn đều nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu lớp
12 THPT; phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng THPT. Do vậy, phần lớn các em học
sinh làm được bài và phấn khởi sau từng buổi thi.
Trên thực tế, qua các kỳ thi thì giáo
viên và học sinh ngày càng theo được độ mở của đề. Biểu hiện rõ ràng nhất cho
hướng này là trong đề thi môn Ngữ văn năm nay. Sau khi kết thúc môn thi đã nhận
được rất nhiều ý kiến phản hồi, đánh giá cao của dư luận xã hội, phụ huynh,
giáo viên và học sinh. Cá nhân tôi đánh giá, đề thi năm nay đã có những tác
động tích cực, không chỉ đến kiến thức mà đến cả tình cảm, đạo đức của các em
học sinh; đồng thời có tác động tốt đến xã hội.
Đối với các môn khoa học xã hội Bộ sẽ tiếp
tục ra đề thi theo hướng mở để học sinh có cơ hội tự phát biểu chính kiến của
mình, vận dụng kiến thức, kĩ năng và cả tư duy, cảm xúc khi làm bài thi. Ra đề
theo hướng mở cũng là một trong những hướng của công tác thi và kiểm tra đánh
giá nói chung mà Bộ sẽ tiến hành trong những năm tới. Khi mà việc vận dụng kiến
thức kĩ năng của học sinh càng tốt, khả năng của giám khảo càng tốt thì đề thi
sẽ ngày càng mở hơn để học sinh có thể tiếp cận được nhiều vấn đề của lý luận
cũng như thực tiễn đời sống xã hội ở địa phương mình và trên cả nước.
Công tác chấm thi đối với các đề
mở sẽ được tiến hành như thế nào thưa thứ trưởng?
- Bộ GD&ĐT cũng như giáo
viên và học sinh đều có những đánh giá về đề thi môn Ngữ văn năm nay có tính
thời sự và tính nhân văn cao. Đề thi môn Địa lí khơi gợi được sự hiểu biết và
ý thức về chủ quyền dân tộc, không chỉ có tác dụng giáo dục đối với các thí
sinh mà còn có ảnh hưởng tốt trong xã hội.
Ra đề mở thì không thể có đáp án
đóng. Khi ra đề mở, học sinh sẽ có nhiều ý kiến rất đa dạng. Vì vậy, quan
trọng là các em thể hiện được quan điểm của mình, đồng thời đưa ra được những
lập luận chặt chẽ, hợp lý cho quan điểm đó, khi đó sẽ được điểm cao.
Đối với những băn khoăn về các ý
kiến trái chiều xung quanh hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam tôi cho
rằng: Tùy nhận thức mà có cách nhìn nhận khác nhau nên sẽ không áp đặt những
suy nghĩ của người chấm cho lớp trẻ. Tuy nhiên, đạo đức và giá trị sống dù có
thể khác nhau ở từng cá nhân thì vẫn có chuẩn chung trong xã hội chúng ta.
Tôi biết rằng hướng dẫn chấm môn Ngữ văn năm nay đề cập chưa thoả đáng về vấn
đề này, Bộ sẽ mời các nhà giáo có trình độ và giàu kinh nghiệm cùng với Hội
đồng ra đề hướng dẫn thêm.
|
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bá Hải (Thực hiện)