Khoảng tháng 5-1945, Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào
(Tuyên Quang) - căn cứ địa của cách mạng cả nước để cùng Trung ương Đảng lãnh
đạo nhân dân ta chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ở Tân Trào, các đồng chí địa phương đã làm cho Bác một
căn lán khá xinh xắn, náu kín trong khu rừng nứa ở sườn đồi. Lán chia làm hai
gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một bên vừa là chỗ làm việc, vừa là chỗ
để tiếp khách.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc ấy được sống và làm việc
gần Bác. Lần nào đến đồng chí cũng thấy Bác cặm cụi với công việc. Mọi giấy tờ,
chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng.
Cao trào kháng Nhật, cứu nước lúc bấy giờ đã cuồn cuộn
từ Bắc chí Nam .
Ngay ở Hà Nội, thợ thuyền, học sinh, các giới trí thức, người buôn bán đều tham
gia rất đông vào công cuộc kháng Nhật. Toàn thể nhân dân đang hướng về Việt
Minh, trông chờ một cuộc chuyển biến lớn. Khí thế khởi nghĩa giành chính quyền
cách mạng hừng hực khắp nơi. Trung ương đã quyết định tích cực chuẩn bị cho
cuộc họp toàn quốc của Đảng và quốc dân đại hội đại biểu ở Tân Trào.
Nắm vững thời cơ cách mạng, Bác đã giục chuẩn bị hai
cuộc họp trên từ tháng 7-1945 vì Bác bảo tình hình đã khẩn trương lắm. Bác còn
dặn: "Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu
không thì không kịp với tình hình chung".
Giữa lúc công việc cách mạng bề bộn như vậy, Bác bỗng
bị mệt, mấy hôm liền bị sốt, song Bác vẫn gượng làm việc. Lúc nào bị sốt cao,
không ăn được, Bác mới chịu đi nằm. Có hôm sốt cao quá Bác bị mê sảng. Lúc nào
tỉnh, Bác lại bàn công việc, nói về tình hình, dặn cán bộ phải khẩn trương
chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Bác bảo: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù
hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành
cho được độc lập".
Ý chí và quyết tâm của Bác đã trở thành ý chí và quyết
tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, trở thành nguồn sức mạnh to lớn có ý nghĩa
quyết định đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.
Trích từ sách: Vũ Kỳ- Thư ký Bác Hồ kể
chuyện.
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005